Tại Bình Thuận, đất đai tài sản có giá trị lớn và nhiều đặc thù pháp lý riêng biệt. Chính vì vậy rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm và có nhu cầu được tư vấn pháp lý về đất đai. Có người có nhu cầu mua nửa thửa đất, có người mua phần lớn, có người mua cả thửa đất, đối với những trường hợp đó phải tiến hành tách thửa và chuyển nhượng.
* Cơ sở pháp lý: Quyết định 52/2018/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ngày 27 tháng 12 năm 2018;
Theo quy định từ Điều 3 đến Điều 12 Quyết định 52/2018/QĐ-UBND tỉnh Bình Thuận quy định về điều kiện tách thửa và diện tích tách thửa tại Bình Thuận như sau:
1. Các trường hợp không được tách thửa
– Các thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai.
– Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
– Thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản để thực hiện bản án có hiệu lực của tòa án.
– Thửa đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Trường hợp dự án đã có thông báo thu hồi đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì người sử dụng đất được tách thửa để thực hiện các quyền sử dụng đất theo quy định.
-Thửa đất trong các khu dân cư có quy hoạch phân lô chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc tách thửa không đồng thời với hợp thửa.
2. Điều kiện tách thửa, hợp thửa
– Người sử dụng đất được tách thửa đất khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng;
b) Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa không nhỏ hơn diện tích, kích thước tối thiểu tại từng Điều của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND;
c) Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đối với từng loại đất theo Quy định này, đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất mới. Trường hợp thửa đất còn lại sau khi tách thửa không đảm bảo các điều kiện quy định tại từng Điều của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND thì không được phép tách thửa.
d) Không thuộc các trường hợp không được tách thửa, hợp thửa theo quy định tại Điều 3 Quyết định 52/2018/QĐ-UBND.
– Nhà nước khuyến khích việc hợp thửa đất nông nghiệp theo chủ trương “dồn điền, đổi thửa” để thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp; hợp thửa đất tại các khu dân cư quy hoạch tập trung để thực hiện các dự án xây nhà ở cho người có thu nhập thấp, khu chung cư cao tầng.
– Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nông nghiệp (không phải là đất ở) sang đất ở (gắn với tách thửa) mà thửa đất không tiếp giáp đường đi theo quy định như sau:
a) Thửa đất, khu đất xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 52 của Luật Đất đai năm 2013.
Đối với khu vực có quy hoạch xây dựng thì việc chuyển mục đích sử dụng đất ngoài căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, còn phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng để thực hiện. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng thì thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất, UBND các huyện có trách nhiệm rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền (hoặc quyết định theo thẩm quyền) điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định tại khoản 8 Điều 35 Luật Đất đai năm 2013.
b) Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản (không tạo điểm dân cư hoặc khu dân cư mới) thì phải tự để đường đi đảm bảo kết nối với đường đi hiện hữu.
Người sử dụng đất có trách nhiệm liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (hoặc các Chi nhánh cấp huyện) đo đạc xác định phần diện tích đất làm đường đi trên thực tế và phải thể hiện trên mảnh trích đo hoặc mảnh chỉnh lý trích lục địa chính khi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.
c) Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hợp thửa, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô để kinh doanh bất động sản (tạo điểm dân cư hoặc khu dân cư mới) thì phải lập dự án theo quy định pháp luật đầu tư và đảm bảo đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ (đường, điện, cấp và thoát nước,…) theo quy chuẩn xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác xây dựng nhà ở.
3. Điều kiện về kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa
– Đối với thửa đất ở nông thôn
+ Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 60 m2 và có chiều rộng tối thiểu là 4,0 m (mặt tiếp giáp đường hiện hữu hoặc đường tự bố trí), có chiều dài tối thiểu là 8,0 m.
+ Diện tích đất tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 52/2018/QĐ-UBND là diện tích sau khi đã trừ chỉ giới xây dựng đối với những khu vực có quy định chỉ giới xây dựng.
– Đối với thửa đất ở đô thị
+ Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 40 m2 và có chiều rộng tối thiểu là 3,5 m (mặt tiếp giáp đường hiện hữu và đường do tự bố trí), có chiều dài tối thiểu là 5,0 m.
+ Diện tích đất tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 52/2018/QĐ-UBND là diện tích sau khi đã trừ chỉ giới xây dựng đối với những khu vực có quy định chỉ giới xây dựng.
– Đối với thửa đất ở có đất vườn, ao
+ Các thửa đất ở có đất vườn, ao được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh và điều kiện tách thửa đối với đất ở nông thôn, đô thị theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND.
+ Khi đo đạc thực hiện tách thửa, người sử dụng đất có trách nhiệm xác định vị trí diện tích đất ở đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh của thửa đất ở nông thôn, đô thị theo Điều 5 và Điều 6 của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND; diện tích đất vườn, ao còn lại không bị giới hạn bởi diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh khi thực hiện thủ tục tách thửa.
4. Tách thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở tại nông thôn và đô thị
– Đối với thửa đất phi nông nghiệp tại nông thôn
+ Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại sau khi bị tách thửa có diện tích tối thiểu là 100 m2 và có chiều rộng tối thiểu là 5,0 m (mặt tiếp giáp đường hiện hữu hoặc đường tự bố trí), có chiều dài tối thiểu là 10 m.
+ Diện tích đất tối thiểu nêu trên bao gồm cả phần diện tích nằm trong chỉ giới xây dựng đối với những khu vực có quy định chỉ giới xây dựng.
– Tách thửa đối với thửa đất phi nông nghiệp tại đô thị
+ Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại sau khi bị tách thửa có diện tích tối thiểu là 60 m2 và có chiều rộng tối thiểu là 3,5 m (mặt tiếp giáp đường hiện hữu hoặc đường tự bố trí), có chiều dài tối thiểu là 5,0 m.
+ Diện tích đất tối thiểu nêu trênbao gồm cả phần diện tích nằm trong chỉ giới xây dựng đối với những khu vực có quy định chỉ giới xây dựng.
– Đối với đất phi nông nghiệp nằm trong cùng thửa đất có đất ở, đất vườn, ao
+Các thửa đất phi nông nghiệp nằm trong cùng thửa đất có đất ở, đất vườn, ao được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh và điều kiện tách thửa đối với đất ở nông thôn, đô thị theo quy định tại Điều 4, Điều 8 và Điều 9 của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND.
+ Khi đo đạc thực hiện tách thửa, người sử dụng đất có trách nhiệm xác định vị trí diện tích đất phi nông nghiệp đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh của thửa đất phi nông nghiệp theo Điều 8 và Điều 9 của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND; diện tích đất ở, vườn, ao còn lại không bị giới hạn bởi diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh khi thực hiện thủ tục tách thửa.
5. Tách thửa đối với đất nông nghiệp tại nông thôn và đô thị
– Tách thửa đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
+ Các thửa đất nông nghiệp được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo có diện tích tối thiểu là 1.000 m2.
+ Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định nêu trên đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất mới. Trường hợp thửa đất còn lại sau khi tách thửa không đảm bảo diện tích quy định nêu trên thì không được phép tách thửa.
– Tách thửa đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đô thị, nông thôn hoặc đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở; đất nông nghiệp nằm trong khu quy hoạch khu dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
+ Việc tách thửa được thực hiện trong quá trình giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (không nộp hồ sơ tách thửa). Người sử dụng đất nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tách thửa khi giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
+ Diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh của thửa đất xin chuyển mục đích phải đảm bảo theo quy định của từng loại đất tại Quy định này. Thửa đất nông nghiệp còn lại sau khi chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh của loại đất theo quy hoạch sử dụng đất để tiếp tục chuyển mục đích, tạo thửa đất khi người sử dụng đất có nhu cầu.
+ Phải đảm bảo điều kiện tách thửa, hợp thửa theo Điều 4 của Quyết định 52/2018/QĐ-UBND.
+ Trường hợp hai thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng đất là đất ở có vườn, ao, khi người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đối với một phần diện tích đất vườn, ao (không có đất ở) để chuyển quyền sử dụng đất đồng thời hợp với thửa đất ở có vườn, ao liền kề thì người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất và hợp thửa diện tích đất vườn, ao theo quy định.
+ Trường hợp tách thửa do nhận thừa kế quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai thì người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất phi nông nghiệp nhưng phải đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước các cạnh và điều kiện tách, hợp thửa đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với loại đất đó. Sau khi có văn bản phân chia thừa kế, giải quyết tranh chấp, khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Dịch vụ pháp lý hỗ trợ của chúng tôi:
– Dịch vụ tách thửa
– Tư vấn thủ tục, hồ sơ tách thửa
Nguồn Thạc Sỹ Đinh Thùy Dung – Luật Dương Gia