Dự án hồ chứa nước Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận được Bộ NN- PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4435/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017, tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng, dung tích 100 triệu m3 cấp nước cho 24.200 ha huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc…
Đại diện chủ đầu tư, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, đơn vị tư vấn, liên danh nhà thầu, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Bắc Bình ký giao ước thi đua thực hiện công trình hồ chứa nước Sông Lũy
Hồ Sông Lũy được xây dựng tại huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có dung tích gần 100 triệu m3 với mục tiêu cấp nước cho 24.200 ha đất canh tác của các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch cho Trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/giây, kết hợp phát điện.
Hồ chứa nước Sông Lũy được xây dựng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7, thuộc Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Dự án do Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam thi công công trình đầu mối, với các hạng mục chính như: Đập chính, đập phụ, tràn xả lũ có cửa, tràn tự do, cống lấy nước thủy lợi…, trong đó đập chính gồm đập bê-tông có chiều dài 325 m, chiều cao 34 m và đập đất có chiều dài 835 m.
Thứ trưởng NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, hồ Sông Lũy về mặt giải pháp kỹ thuật đã được rà soát rất kỹ, nó không chỉ bảo đảm hiệu quả về mặt kinh tế mà cả bảo đảm cho vận hành. Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thủy lợi phải kết nối các hệ thống để không chỉ cấp cho hệ thống tưới Phan Rí-Phan Thiết, mà nghiên cứu kết nối một tuyến ống áp lực từ sông Lũy ra đến ven biển để kết nối đến điểm xa nhất về phía bắc của tỉnh và TP Phan Thiết, và bộ chỉ đạo phải để sẵn một tuyến dẫn nước vào đường ống. Đây là hệ thống thủy lợi được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước, lượng mưa bình quân hằng năm rất thấp, thời gian nắng hạn trong năm kéo dài, nên lượng nước tích trữ vào các hồ chứa, công trình thủy lợi không bảo đảm công suất thiết kế, trong đó có các hồ ở phía bắc tỉnh. Vì vậy việc triển khai xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy là hết sức cấp thiết nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước Sông Lũy, đáp ứng nguyện vọng thiết tha mong đợi từ lâu nay của nhân dân tỉnh Bình Thuận; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực phía bắc tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện chủ đầu tư, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, đơn vị tư vấn, liên danh nhà thầu, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Bắc Bình đã cùng phát động phong trào thi đua, ký giao ước thi đua với mục tiêu xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận bảo đảm chất lượng, an toàn, mỹ thuật, đúng mục tiêu, tiến độ; hoàn thành công trình trước ngày 31-12-2020, vượt bốn tháng so với tiến độ được duyệt.
Hồ chứa nước Sông Lũy sau khi hoàn thành sẽ là hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Bình Thuận, tạo động lực mạnh mẽ phát triển khai thác các nguồn lực, tiềm năng về đất đai (phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao), du lịch, công nghiệp, sinh hoạt… tác động lớn đến nhiều vấn đề phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống, an sinh xã hội. Và cùng với các hồ chứa và kênh nối mạng được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía bắc tỉnh gồm các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và TP Phan Thiết.
Sáng 16/07/2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh chủ trì, đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công dự án hồ chứa nước Sông Lũy, huyện Bắc Bình. Cùng dự có Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Phúc và các sở, ban ngành, địa phương liên quan…
Công trình hồ chứa Sông Lũy thi công 3 ca, bảo đảm hoàn thành trước 31/12/2020